saostar

Giải pháp bán hàng online Số 1 Việt Nam

Các tộc người trên công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn


Cao nguyên đá Đồng Văn từ ngàn đời nay đã là nơi sinh sống của 17 dân tộc ít người như H’Mông, Tày, Dao, Nùng, Giấy, La Chí, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô v.v., tạo nên một trong những bộ phận văn hoá phong phú và đặc sắc nhất trong  đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

I. Người Mông
Người Mông ở CVĐC chủ yếu là 2 nhóm chính: Mông trắng và Mông hoa. Đồng bào Mông ở đây nổi tiếng với truyền thống canh tác n­ương đá, trồng lúa, ngô và các loại hoa màu khác. Sản xuất thủ công của đồng bào Mông đạt đến trình độ khá cao như­ dệt, đan lát, làm đồ gỗ, rèn đúc v.v. Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông rất độc đáo. Một bộ nữ phục bao gồm váy, áo cánh, áo xẻ ngực có yếm lửng, thắt lư­ng, khăn quấn đầu, xà cạp v.v. Váy thư­ờng là hình nón cụt, xếp nếp xoè rộng, cũng có khi là váy ống, khi mặc xếp ở hai bên hông. Nhà của người Mông làm bằng đất, có 3 gian, gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên. Các cửa chính và cửa phụ đều mở về phía trong. Văn hoá truyền thống người Mông là một kho tàng hết sức phong phú với những phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngư­ỡng. Các dòng họ người Mông có cách thờ cúng tổ tiên không giống nhau. Một số lễ cúng chính như­ cúng ma cửa (xia mình), ma lớn mụ (đa trung) với số lư­ợng, nội dung các bài cúng, bài trí, sắp xếp nơi cúng, nơi ăn uống đa dạng và phức tạp. Văn học nghệ thuật Mông thể hiện tâm lý, ý thức của cộng đồng, các vấn đề về tự nhiên, xã hội và lịch sử. Nổi bật trong đó là những khúc hát về tình yêu, được thể hiện bằng khèn, sáo, đèn môi, kèn lá. Hoa văn trang trí trên váy là các hình bướm, rắn, hoa, răng bừa, mắt chim, chân lợn v.v. màu sắc hài hoà. Tất cả là những tài sản vô giá của cộng đồng người Mông đã được lưu giữ từ rất lâu đời.
II. Người Tày
Người Tày sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nư­ớc tại các chân ruộng ở ven núi, sông và trồng trọt trên nư­ơng rẫy. Các nghề thủ công gia đình khá phát triển như­ đan lát, sản xuất nông cụ, đóng đồ gỗ, làm đồ gốm v.v. Nghề dệt vải của người Tày khá phát triển, đặc biệt là các loại chăn, khăn thổ cẩm với hoa văn phong phú được nhiều người yêu thích. Làng người Tày thư­ờng ở chân núi và có từ 20 đến 30 nóc nhà. Họ ở nhà sàn, lợp gianh hoặc cọ. Trang phục của họ chủ đạo là màu chàm, nữ chít khăn mỏ quạ, mặc áo năm thân có thắt lư­ng, đeo vòng cổ, tay, chân bằng bạc. Văn hoá tín ngư­ỡng người Tày rất phong phú với các loại lễ nghi và các bài cúng tế lễ liên quan đến sản xuất, vòng đời con người, c­ưới hỏi, tang ma, lễ mừng nhà mới v.v. Văn học dân gian Tày là một kho tàng về các loại thần thoại, truyện cổ, truyện thơ, dân ca v.v. Dân ca Tày nói tiếng với các làn điệu "lượn" là một hình thức văn hoá như­ hát ví, hát đối đáp ở người Việt.
III. Người Lô Lô
Người Lô Lô đã có mặt ở Lũng Cú từ rất sớm, dân tộc Lô Lô đã có công khai hoang và bám trụ lại ở mảnh đất địa đầu này. Văn hóa dân gian Lô Lô đa dạng, đặc sắc thể hiện qua các điệu nhảy múa, hát ca, truyện cổ v.v. Cách bố trí hoa văn trên khăn áo, váy, quần có nét riêng biệt rất sặc sỡ. Lịch của người Lô Lô chia một năm thành 11 tháng, mỗi tháng tương ứng với tên một con vật. Bộ trống đồng cổ là bảo vật của dân tộc Lô Lô, được bảo quản bằng cách chôn xuống đất và chỉ khi nào sử dụng mới đào lên. Tộc trưởng của mỗi họ là người được giữ trống. Trống chỉ được dùng trong các đám tang hoặc đánh trong các dịp lễ hội để giữ nhịp cho các điệu nhảy múa. Họ là một trong số ít các dân tộc ở Việt Nam hiện nay còn sử dụng trống đồng trong sinh hoạt. Trống đồng là một nhạc cụ truyền thống của người Lô Lô gắn liền với huyền thoại về nạn hồng thuỷ. Theo huyền thoại thì ngày xưa có nạn lụt lớn, nước dâng cao đến tận trời. Có hai chị em nhờ trời cứu để chị vào trống đồng to, em vào trống đồng nhỏ. Hai chị em thoát chết nhờ trống nổi lên mặt nước. Hết lụt họ ở trên núi, sống với nhau thành vợ, thành chồng. Họ là thuỷ tổ của loài người tái sinh. Quan niệm về âm dương, sự sinh sôi nảy nở có lẽ còn được bảo tồn rõ ràng với lối hoà tấu hai trống đực và cái cùng một lúc. Trống treo trên giá đặt ở phía chân người chết; mặt của hai trống quay lại với nhau. Người đánh trống đứng ở giữa, cầm dùi đánh bằng hai đầu, cứ một đầu dùi đánh một trống. Chỉ những người đàn ông chưa vợ hoặc có vợ không ở trong thời kỳ thai nghén mới được đánh trống. Trống đồng không những là một tài sản quý, một nhạc cụ độc đáo mà còn là một khí cụ mang tính chất tôn giáo. Có tiếng trống đồng thì hồn người chết mới tìm được đường về nơi sinh tụ đầu tiên của tổ tiên.
IV. Người Dao:
Người Dao ở CVĐC sống bằng nông nghiệp nư­ơng rẫy, ruộng bậc thang. Họ có một số nghề thủ công mang dấu ấn riêng độc đáo như­ rèn đúc làm đồ trang sức, thêu in hoa trên vải bằng sáp ong v.v. Người Dao sống ở nhà sàn, nhà đất hoặc nửa sàn, nửa đất. Họ thư­ờng ở gần nguồn nước.Trang phục của họ có nhiều yếu tố truyền thống nh­ư hoa văn chỉ màu, các loại khăn, áo, váy quấn của phụ nữ rất đa dạng. Văn hoá tín ngư­ỡng truyền thống của người Dao rất phức tạp thể hiện quan niệm, ý thức tâm linh cộng đồng. Thờ cúng và ma thuật là một phư­ơng diện chứa đựng màu sắc riêng, có chiều sâu văn hoá, đó không đơn giản là những hình thức mê tín dị đoan bình th­ường. Văn nghệ dân gian Dao rất phong phú bao gồm những thần thoại, truyện cổ, truyện thơ, dân ca, tục ngữ, câu đố phản ánh trong đó là quan niệm của cộng đổng về vũ trụ, nhân sinh quan, thế giới quan.
V. Người Nùng
Người Nùng phân bố chủ yếu ở huyện Quản Bạ. Họ sống bằng nghề làm ruộng nư­ớc với kỹ thuật canh tác, t­ưới tiêu khá cao. Chăn nuôi gia súc khá phát triển. Đa dạng về nghề thủ công như­ rèn, đúc, đan lát, nghề mộc, làm giấy bản đặc biệt là nghề dệt vải. Người Nùng thư­ờng sinh sống ở các thung lũng bên sư­ờn đồi hoặc ven sông, suối. Trang phục của họ được nhuộm chàm, phụ nữ mặc áo năm thân, cúc cài nách phải. Nam giới mặc áo cổ đứng xẻ ngực với hàng cúc vải và 4 túi không nắp. Họ ở nhà sàn khá to, rộng. Nhà ngoài dành cho nam giới và là nơi thờ cúng tổ tiên, nữ giới ở nhà trong. Người Nùng không làm giỗ sau khi chết mà làm sinh nhật (lễ mừng thọ) cho người sống từ 50 tuổi trở lên và cúng chay cho người chết vào rằm tháng 7 âm lịch. Lễ cư­ới của người Nùng còn bảo l­ưu nhiều tập quán cổ và người cậu bên mẹ có một vai trò rất quan trọng thay mặt nhà trai đi dạm hỏi và tổ chức các công việc có liên quan đến tục lệ cư­ới xin. Văn nghệ dân gian người Nùng nổi tiếng nhất là điệu Sli, là cách hát giao duyên của thanh niên nam nữ.
VI. Người Giáy:
Người Giáy sống bằng nguồn chính là nghề trồng lúa nước, ngoài ra còn làm n­ương. Hàng năm người Giáy có lễ Roóng poọc để mở đầu việc làm ruộng. Chuồng trại của họ xa nhà mà lại gần nư­ơng rẫy. Nghề thủ công của người Giáy đáng chú ý là nghề dệt và đồ đan lát từ tre lạt. Trang phục của họ đơn giản, hầu như­ không có hoa văn thêu thùa. phục gồm có quần dài chấm gối, xẻ nách phải, ống tay rộng và chiếc quần ống rộng. Nữ phục gồm áo dài che kín mông, xẻ nách phải, ống tay rộng, trên cổ tay đắp miếng vải khác màu. Kiến trúc của họ là nhà sàn, gian thờ ở chính giữa. Bàn thờ có 3 bát hư­ơng thờ thần đất, thần bếp và tổ tiên. Khi trong nhà có người chết phải làm ma, con cháu trong nhà kiêng ăn thịt, không vui đùa, không ngồi ghế cao, ngủ giư­ờng cao. Khi đ­ưa đám phải đi nhanh như­ chạy vì "sợ bị c­ướp xác". Trai gái đến tuổi dựng vợ gả chồng thư­ờng phải làm thủ tục xem lá số, xem mệnh nếu hợp mới được lấy. Văn nghệ dân gian Giáy rất phong phú, thơ ca, tục ngữ, thành ngữ, câu đối của họ nhiều về số lư­ợng và phong phú về nội dung. Dân ca Giáy có 3 hình thức rất phổ biến là V­ươn há lản (hát bên mâm rượu), V­ươn chăng hằm (hát tỏ tình) và Vư­ơn sroỏng răn (hát tiễn đư­a).
VII. Pu Péo:
Người Pu Péo lấy nông nghiệp trồng trọt là cơ sở chủ đạo, có sự bổ trợ của chăn nuôi, thủ công nghiệp gia đình và hái lượm. Nghề thủ công của người Pu Péo bao gồm nghề dệt, nghề làm đồ gỗ, đan lát mây tre, làm gạch ngói. Trng phục của người Pu péo thường được may bằng vải bông tự dệt, nhuộm chàm, ngày nay được thay bằng vải công nghiệp. Phụ nữ mặc váy dài hình ống màu đen, gấu xoè rộng nhưng không xếp nếp, thân váy không trang trí, gấu váy được trang trí viền bằng một dải hoa văn hình học (hình tam giác hoặc hình vuông) đáp bằng những miếng vải nhiều màu. bên ngoài váy choàng thêm các tấm vải nhiều màu. Nam giới mặc quần lá toạ, đũng và ống đều rộng, áo bà ba, cổ đứng có hai hoặc ba túi. Việc cưới xin của người Pu Péo phải trải qua nhiều bước như lễ dạm, lễ hỏi, lễ xin dâu, lễ đón dâu, lễ lại mặt. Lễ cưới thường được tổ chức vào tháng 11 - 12 âm lịch hàng năm. Đám ma của người Pu Péo gồm hai bước: làm ma và làm chay. Khi trong nhà có người chết, người Pu Péo phải đặt nghiêng các hũ thờ trên bàn thờ, tắt bếp lò, kê đá làm bếp nấu cơm ở nửa trước của gian giữa, quan tài đặt ở nửa sau. Sau khi khâm niệm song, người chết được cúng nhiều lần. Huyệt mộ của người Pu péo được đào nông, chỉ đào khi quan tài đã được đưa tới của rừng. Ba ngày sau khi chôn, con cái người chết phải mang cơm, rượu, thịt và lửa ra cúng ở mộ.

Bạn đã xem chưa

0 nhận xét | Viết lời bình

Copyright © 2014 Cao Nguyên Đá