saostar

Giải pháp bán hàng online Số 1 Việt Nam

Đa dạng sinh học công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn


Điều kiện tự nhiên, khí hậu khu vực Cao nguyên đá tạo cho khu vực này có sự đa dạng, phong phú về hệ thống các loài động, thực vật quý hiếm. 






Dự án bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển nguồn gen quý ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang do Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (GEF/SGP) thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ, chính thức triển khai từ tháng 4/2004. Sau hơn một năm triển khai dự án, các nhà khoa học đã phát hiện được nhiều loại thực vật quý hiếm như cá thể dẻ tùng sọc nâu, thông tre lá ngắn, hoàng đàn rủ và thông đỏ, trong đó đáng chú ý là cây thông đỏ có đường kính tới 70cm. Đây được xem là cây thông đỏ có đường kính lớn nhất, sống lâu năm nhất ở miền Bắc Việt Nam tính đến thời điểm này (nguồn TTXVN). Tháng 5 năm 2005, nhóm công tác của dự án này đã phát hiện thêm ở khu vực này hai loài thực vật quý hiếm là cây bảy lá một hoa và cây đỉnh tùng, nâng tổng số các loài thực vật quý hiếm lần đầu tiên được tìm thấy ở Thài Phìn Tủng lên sáu loài. Thài Phìn Tủng là địa điểm thứ hai các nhà khoa học tìm được loại cây bảy lá một hoa này, sau khi tìm được ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Xu Phì. Loài cây này có khu phân bố tương đối hẹp, nên đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và được xếp ở cấp R-cấp hiếm. Cùng với cây bảy lá một hoa, nhóm khảo sát còn phát hiện được một loài thực vật quý hiếm thuộc ngành hạt trần là cây đỉnh tùng hay còn gọi là phỉ ba mũi. Đỉnh tùng là cây gỗ nhỏ, cao khoảng 15m, có cành mọc đối và xòe ngang, lá xếp thành hai dãy hình dải. Ở miền Bắc, đỉnh tùng có ở Hà Tây (Ba Vì), Thanh Hóa (Lũng Văn), Cao Bằng (Nguyên Bình-Ca Thành). Đây là lần đầu tiên, đỉnh tùng được phát hiện ở Hà Giang. Đỉnh tùng là loại cây cổ còn sót lại, được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam, xếp ở cấp R. Hiện nay ở Thài Phìn Tủng mới phát hiện được duy nhất một cá thể.

Theo Tạp chí Di truyền học và Ứng dụng số 1/2005, ngày 12/9/2005, tác giả Phan Kế Lộc và đồng nghiệp thuộc Trường ĐHKHTN  Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật trong đợt nghiên cứu gần đây về tính đa dạng thực vật của vùng núi đá vôi phía bắc tỉnh Hà Giang dưới sự tài trợ của Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ đã công bố một phát hiện mới về loài Trân châu lá dải Lysimachia vittiformis F.H. Chen & C.M. Hu ở gần bản Lô Thàng, xã Thái An, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
   Trên khu vực CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn có các loại động, thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Voọc mũi hếch (Tonkin Snub-nosed Monkey) ; các loài gỗ và dược liệu quý như: dẻ tùng sọc nâu, thông tre lá ngắn, cây bảy lá một hoa, cây đỉnh tùng, v.v... nơi đây còn có rất nhiều cây dược liệu quý hiếm như hà thủ ô đỏ, đỗ trọng, đặc biệt trên vùng đất khô cằn này đã sản sinh ra cây bạc hà - là loại cây đã làm nên loại mật ong bạc hà nổi tiếng của vùng cao nguyên đá.

Bạn đã xem chưa

0 nhận xét | Viết lời bình

Copyright © 2014 Cao Nguyên Đá