saostar

Giải pháp bán hàng online Số 1 Việt Nam

Điều kiện kinh tế - xã hội


Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn bao gồm đơn vị hành chính của 4 huyện phía Bắc của tỉnh Hà Giang. Nơi đây là nơi sinh sống của 17 dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

1.Huyện Quản Bạ
Là huyện cửa ngõ đầu tiên khi lên cao nguyên Đồng Văn nơi được biết đến với cổng trời, thạch nhũ đôi, đặc sản rượu ngô, vải lanh Hợp Tiến và thị trấn Tam Sơn nơi được ví như Sapa thứ hai của miền Bắc Việt Nam. Quản Bạ nằm trên quốc lộ 4C cách thị xã Hà Giang 47 km và cách Đồng Văn 97 km. Đây là điểm dừng chân và nghỉ dưỡng lý tưởng cho tuyến du lịch Hà Giang – Đồng Văn đi qua đây.
Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 532,0582 km2, gồm 12 xã phía Bắc có 46 km đường biên giới giáp với Trung Quốc; Đông Bắc giáp huyện Yên Minh; phía Nam giáp huyện Bắc Mê và phía Tây Nam giáp huyện Vị Xuyên. Địa hình phần lớn là núi đá chia cắt nhiều, độ cao trung bình từ 1.000 – 1.200m so với mặt nước biển. Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, 1 năm chia ra làm 2 mùa rõ rệt, đó là mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 9) và mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 3), lượng mưa trung bình vào khoảng 1200mm/năm.
Dân số của huyện là 42.727 người, có 14 dân tộc, đông nhất là dân tộc Mông, chiếm trên 60%, Dao chiếm 14%, Tày : 9,2%, Giáy: 7,4%, còn lại là các dân tộc khác. Đặc biệt dân tộc Bố Y hiện chỉ còn 881 người, và chỉ tập trung ở xã Quyết Tiến.
2. Huyện Yên Minh
Là huyện thứ 3 trên quốc lộ 4C, cách Quản Bạ 54km và cách Đồng Văn 48km. Yên Minh nằm ở vị trí trung tâm của Cao nguyên Đồng Văn đồng thời là điểm dừng chân, trung chuyển của tuyển du lịch Hà Giang – Đồng Văn. Với vị trí đó, Yên Minh có nhiều thuận lợi phát triển thương mại du lịch và dịch vụ.
Yên Minh có tổng diện tích tự nhiên là 782km2, phía Bắc giáp với Trung Quốc (29km đường biên giới); Nam giáp huyện Bắc Mê và Bảo Lâm của Cao Bằng; Tây giáp với huyện Quản Bạ, Vị Xuyên; Đông giáp với huyện Đồng Văn. Địa hình phần lớn là núi đất xen lẫn núi đá với dạng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và lượng mưa trung bình khoảng 1200mm/năm.
Huyện Yên Minh được thành lập từ ngày 15/12/1962, hiện tại toàn huyện có 1 thị trấn và 17 xã. Giao thông của huyện Yên Minh khá hoàn thiện, bởi quốc lộ 4C chạy qua trung tâm huyện và 5 xã, 17/17 xã có đường ô tô về tới trung tâm (10 xã có đường nhựa); 189/272 thôn có đường ô tô loại B trở lên đến trung tâm; 83 thôn có đường dân sinh. Đã phủ sóng các mạng di động và các xã đều có điện thoại cố định.
Dân số của huyện là 72.198 người, 18 dân tộc, đông nhất là dân tộc Mông, chiếm 52,8%, Dao chiếm 14,6%, Tày 13,8%, Giáy 7,4%, còn lại là các dân tộc khác.
3. Huyện Đồng Văn
Đồng Văn được biết đến là vùng đất thiêng liêng mà bất cứ người dân Việt Nam đều muốn biết đến dù chỉ là một lần, bởi đây là huyện địa đầu của tổ quốc, cách thị xã Hà Giang 144km.
Đồng Văn có tổng diện tích tự nhiên là 461,1405km2 gồm 19 xã và 1 thị trấn ở phía Bắc, phía Tây giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa với 52km đường biên giới; phía Nam giáp huyện Yên Minh; phía Đông giáp huyện Mèo Vạc.
Ở độ cao trung bình là 1200m so với mặt nước biển, so với các huyện, Đồng Văn có đặc điểm khác biệt, đó là: địa hình phức tạp, phần lớn là núi đá chia cắt mạnh tạo ra nhiều núi cao, vực sâu, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ có nhiều ngọn núi cao như: núi Lũng Táo cao 1911m, núi Tù Sán cao 1475m,…
Do vị trí địa lý, khí hậu ở Đồng Văn ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố địa hình mang tính ôn đới, tương đối khắc nghiệt và phân ra nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau. Một năm chia ra làm 2 mùa rõ rệt, đó là mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) và mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau), vào mùa này thường có sương mù, sương muối, thời tiết khô hanh. Tuy lượng mưa trung bình năm khoảng 1.600 – 2.000mm, mặc dù hệ thống sông suối khá nhiều như sông Nho Quế, các dòng suối nhỏ ở Lũng Táo, Phó Bảng, Phố Là, xã Đồng Văn chỉ mùa mưa mới có nước, nhưng do địa hình núi đá vôi, rừng nguyên sinh ít và cạn kiệt nên rất khan hiếm nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
Với dân số là 62.138 người, Đồng Văn có 15 dân tộc, đông nhất là dân tộc Mông chiếm trên 85%, tiếp đó là các dân tộc Tày, Kinh, Hoa, còn lại là các dân tộc khác.
Hệ thống giao thông ở đây khá hoàn thiện, các xã có đường ô tô về đến trung tâm, có đường liên thôn, liên bản, 80% các xã đều đã phủ sóng mạng điện thoại di động và tất cả các xã đã có điểm Bưu điện văn hóa xã.
4. Huyện Mèo Vạc
Mèo Vạc phía Đông và phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp với hai huyện là Đồng Văn và Yên Minh, phía Nam giáp với huyện Bảo Lâm tỉnh Cao Bằng.
Diện tích 576,6861km2, gồm 18 xã và 1 thị trấn. Dân số 64.082 người, đông nhất là dân tộc Mông chiếm gần 90% dân số toàn huyện, đây cũng là 1 trong những địa phương mà người Mông chọn làm nơi định cư đầu tiên khi đến với Việt Nam.
Khí hậu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố địa hình, chủ yếu là núi đá vôi mang tính ôn đới, tương đối khắc nghiệt và phân ra nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, 1 năm chia ra làm 2 mùa rõ rệt, thường có sương mù, sương muối, thời tiết khô hanh.
Mèo Vạc được du khách trong và ngoài nước biết đến bởi lễ hội chợ tình Khau Vai, diễn ra chỉ 1 lần 1 năm (vào ngày 27/3 âm lịch) tại xã Khau Vai, đây là 1 lễ hội đặc sắc, 1 hiện tượng văn hóa hiếm có và là 1 thương hiệu thu hút du khách đến với mảnh đất cực Bắc này.

Bạn đã xem chưa

0 nhận xét | Viết lời bình

Copyright © 2014 Cao Nguyên Đá